Kẻ bịt mồm bạn khi bạn bị hiếp dâm có
khi lại là cô giáo chủ nhiệm, là mẹ bạn, là những nhà văn hóa, trí giả đầy mình
của xã hội luôn đề cao chuẩn mực đạo đức sống, chứ không phải thằng lưu manh
trên xe bus! Vì họ chỉ dạy bạn kỹ càng cách sống cùng người tốt, nhưng không dạy
bạn mấy về môn chửi tục và đánh lại kẻ xấu!
1. Hai mươi năm trước, hiệu sách ngoại
văn ở Bờ Hồ vừa là thiên đường vừa là địa ngục của tôi. Thiên đường là bởi tôi
mê sách vô cùng. Giả dụ được lên danh sách quà tặng suốt đời, tôi sẽ liệt kê một
ngàn cuốn sách mình muốn có. Nhưng địa ngục là bởi, mỗi lần đi xem sách, lại phấp
phỏng lo đối phó với một vài thằng cha kỳ quái đáng tuổi cha chú luôn lượn vè
vè quanh các tủ sách, thấy cô bé nào vừa mắt là sán tới…
Không hiểu sao những kẻ bệnh hoạn ấy chỉ
chọn những cô bé học sinh tuổi phổ thông. Mỗi khi cảm thấy có kẻ bắt đầu sờ soạng
sau lưng, trên mông, hoặc đụng chạm cố ý, tôi thường đỏ dừ mặt vội vã bỏ chạy
khỏi nhà sách. Thậm chí không dám nhìn mặt kẻ đồi bại, và rất sợ bị mọi người
chung quanh phát hiện là mình vừa bị quấy rối, sờ mó, như thể mình chính là tội
phạm. Cảm giác vừa tức giận vừa nhục nhã ấy, tôi vẫn còn nhớ.
Rồi vào đại học, năm thứ ba đại học, tôi
đi cùng bé Hằng trong bút nhóm vào hiệu sách cũ để chọn mua sách. Bất ngờ phát
hiện một thằng đàn ông kỳ quái mà ngày xưa từng quấy rầy mình, đang áp sát ngay
bên cạnh. Và, nó không làm gì tôi, nó nhắm tới bé Hằng. Hằng co rúm lại sợ hãi,
đứng như trời trồng, mắt cắm vào cuốn sách trên tay, không dám nhìn sang chỗ
khác.
Đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy
về một kẻ bệnh hoạn. Bởi ngay sau đó, tôi bất bình và tức giận hét rất lớn:
– Ông kia, làm cái gì đấy? Ông bỏ ngay
tay ra! Đồ mất dạy!
Thằng cha biến thái vội vã cắm đầu chạy
mất dạng!
2. Tiếng hét ấy làm chính tôi kinh ngạc.
Tại sao ngày xưa, mình chỉ ngậm tăm chịu đựng, còn khi bất bình thấy kẻ khác bị
sờ mó, mình lại chẳng còn sợ hãi gì kêu lên?
Hóa ra, chỉ đơn giản là, những cô thiếu
nữ vị thành niên luôn có xu hướng quy kết mọi sự cố trong cuộc sống vào lỗi của
bản thân. Sẽ hổ thẹn khi bị sờ mông, sẽ khủng hoảng và bất lực khi bị quấy rối.
Còn cô gái hai mươi tuổi đã nhận ra rằng, kẻ quấy rối tình dục kia mới đáng bị
lên án.
Chẳng trách những tay đàn ông biến thái
đầy kinh nghiệm đã luôn chọn con mồi là những cô bé mười mấy tuổi. Cái làm
chúng hả hê, là thấy được các cô đỏ mặt, cuống quýt sợ hãi bỏ chạy. Hoàn toàn
không dám phản kháng. Nói cách khác, những kẻ xấu chẳng cần bịt miệng bạn, bởi
bạn tự cắn răng chịu đựng, có miệng cũng đâu dám la lên, khác gì tự bịt miệng
mình?
Nhưng, điều quan trọng nhất là: Khi kẻ
quấy rối tình dục sợ nhất là tiếng hét của nạn nhân, thì bản thân nạn nhân cũng
sợ hãi tiếng hét ấy!
Trên báo chí bây giờ thiếu gì những tin,
sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sợ hãi kẻ thị dâm. Sinh viên sợ kẻ rình lén
trong toa-lét nhà trường, kẻ sờ soạng trên xe bus. Hầu hết những tin bài khiêm
tốn ấy đều nói nhiều về việc, nữ sinh sợ hãi bỏ chạy. Chả hề có mấy tin viết rằng,
cô sinh viên đứng lại, hét to lên cảnh cáo giữa đám đông, lên án hành vi xấu,
dán lên tường thông báo cảnh báo người khác về đoạn đường có yêu râu xanh..
Toàn thấy cảnh báo đoạn đường này đang
thi công, chẳng thấy cảnh báo đoạn đường này có kẻ sờ mông.
Thời gian trước, trên báo còn đưa tin, một
cô nữ sinh quay lén hành vi “khoecủa” của một kẻ bệnh hoạn. Nhưng đáng kinh ngạc
là, cô nàng biết rõ kẻ kia đang làm gì. Biết rõ điều ấy là bẩn thỉu. Nhưng cô
không hề dám làm gì để chặn đứng nó lại, im lặng trong suốt quá trình quấy rối
tình dục nơi công cộng ấy diễn ra. Việc quay phim còn phải che dấu bằng thái độ
cười đùa thản nhiên, và tung lên mạng như một cách “khoe của” gián tiếp. Kẻ kia
khoe bộ phận sinh dục nam, cô gái khoe việc mình đã được chứng kiến kẻ kia
“khoe của quý”.
Hai việc ấy mang tính trạng bệnh hoạn
như nhau. Cô gái hơn gã đàn ông một thứ, là cô có thêm một con mắt ghi hình điện
tử, thế thôi.
Không biết tôi có hiểu sai không! Nhưng
chắc hai mươi năm trước nếu có điện thoại trang bị camera trong tay, tôi cũng
không ghi hình lại việc em Hằng bị sờ mông. Mà tôi vẫn kêu lên! Kêu thật to!
Kẻ quấy rối luôn táo tợn trước nạn nhân
nhưng luôn sợ hãi đám đông. Vấn đề là bạn có vạch mặt chỉ tên nó ra không, hay
bạn tự bịt miệng mình trước?
3. Mẹ thường dạy tôi phải trở thành gái
ngoan, biết nghe lời bố mẹ, phải ý tứ vì mình là con gái. Cô giáo chủ nhiệm từng
bắt tôi đứng góc lớp vì mất trật tự trong lớp. Cuốn sách đầu đời tôi đọc khi bảy
tuổi là cuốn truyện thiếu nhi, thỏ trắng ham chơi, về mẹ mắng. Ngoan tức là biết
nghe lời, biết nhịn, biết chịu đựng.
Biết nghe lời trở thành đạo đức hàng đầu
của gái trẻ. Tôi có mấy người đồng nghiệp cũ, thường bảo, chỉ thích lấy gái
quê, vì gái quê rất “ngoan”, biết nghe lời chồng. Sau này quả thật có một anh lặn
lội đi hơn trăm cây số lấy gái quê. Rất khó tả cảm giác, một bức ảnh lễ ăn hỏi,
chú rể comple giầy da rất thời trang, đứng cạnh cô gái vùng trung du môi đỏ
choét, quần bò ống loe, mặc áo phao xanh cánh chả, đội mũ có lông.
Đấy, không chịu nghe lời còn có cả nguy
cơ bị ế nữa đấy! Cô ấy ngoan, nên cô ấy còn có chồng trước cả tôi! Tôi hay cãi,
mà cãi thì rất to, nên mãi chả ai rước! Cũng may, đó là chuyện quá khứ, hồi yêu
râu xanh còn đơn giản là sờ soạng. Giờ yêu râu xanh đã lên mạng. Những kẻ quấy
rối nhiều khi có cả webcam và phim sex miễn phí, ảnh nóng mà bạn, một phút bất
cẩn, để lộ ra. Có khi kẻ quấy rối bạn lại còn là tình cũ, không cam tâm thấy bạn
đang trong vòng tay tình mới!
Bạn có hét to lên không, hay ai đã bịt
miệng bạn? Nhưng bạn có quyền phòng vệ cơ mà, pháp luật cũng ủng hộ bạn, cả xã
hội cũng cho phép bạn phản kháng cơ mà.
Nếu bạn vẫn còn lưỡng lự, sợ hãi, sợ mất
thể diện, thì thử nghĩ xem: Nếu những kẻ biến thái kia thử động vào gái hư xem,
việc gì sẽ xảy ra!
Điềm tĩnh thì cô gái có thể lịch thiệp
quay lại, nghiêng đầu cười nhã nhặn và duyên dáng, nói dịu dàng và kiên quyết:
– Chào anh, anh có thể vui lòng nhấc bàn
tay cao quý của anh ra khỏi cái mông em được không? Em sẽ rất biết ơn và hẹn gặp
lại anh lần sau!!!
(Có vẻ hiếm xảy ra sự điềm tĩnh này!)
Còn không bình tĩnh thì hét to:
– Bà táng cho mày một phát vào mồm bây
giờ, tổ sư thằng mất dậy!
Làm ơn hãy văng tục vào lúc đó. Với những người trí thức, ta cư xử
trí thức. Nhưng với những kẻ lưu manh, ta vẫn cư xử trí thức, thì đó mới đúng
là bi kịch đấy bạn ạ!
Trang Hạ
Trang Hạ