Tỉ phú Hong Kong Yu Pang-Lin vừa qua đời
ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt
động từ thiện.
“Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng
cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ
có hại cho chúng mà thôi” - ông Yu Pang-Lin khẳng định.
Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên
trên thế giới “keo kiệt” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Người giàu nhất
thế giới - Bill Gates - từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản
kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi
là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để
phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người
thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?
Nhưng cũng có những người con sẵn sàng từ
chối thứ mà “đời bố hi sinh” để “củng cố” cho mình. Stephen Covey - người từng
được tạp chí Time bầu chọn là 1 trong 25 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới, tác
giả cuốn sách nổi tiếng 7 thói quen để thành đạt - viết di chúc để lại tiền cho
con và ra đi năm 2012.
Cả chín người con không ai nhận tiền. Họ
lý giải rất giản dị rằng họ là những người bình thường và hoàn toàn có thể tự
lao động, tự kiếm sống được.
Tương tự, tỉ phú Warren Buffett viết di
chúc chỉ để lại 10% tài sản của mình cho con, còn lại là làm từ thiện. Tuy
nhiên, ba người con, dù không phải quá giàu có, cũng từ chối và dành luôn số tiền
đó cho từ thiện.
Những người cha kiên quyết không để lại
tiền cho con hoặc những người con quyết liệt không nhận tài sản thừa kế chắc chắn
không phải là những người không coi trọng đồng tiền, vì hơn ai hết họ đã phải đổ
mồ hôi, công sức và trí tuệ cả đời để tạo dựng nên sản nghiệp.
Tuy nhiên, họ cũng hiểu có một thứ còn
quý giá hơn tiền, quan trọng hơn tiền, đó chính là trách nhiệm, mà trước hết là
trách nhiệm với chính mình (tự mình phải chịu trách nhiệm về mình), rồi trách
nhiệm với gia đình, cộng đồng, xã hội... Họ cũng ý thức được một cách sâu sắc ẩn
họa của việc xài những đồng tiền không do chính mình làm ra.
Có người nói rằng có hai thứ mà cha mẹ cần
trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con
thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả.
Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm
về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.
Một con người biết trách nhiệm và có
năng lực để thực hiện điều đó khi đi học sẽ học thực, học vì mình (và do đó sẽ
khó có kiểu học đối phó; mua điểm, mua bằng; học vì cha, vì mẹ); khi đi làm sẽ
làm hết mình, tự giác và luôn hướng tới hiệu quả cao nhất (và do đó sẽ không có
kiểu làm “giả cầy”, thụ động; làm gian, làm dối như một vài trường hợp mà không
khó cũng có thể nhận diện được ở nhiều cơ quan, công sở)...
Không để lại tiền cho con nhưng để lại
cho con ý thức trách nhiệm và trang bị cho con năng lực để tự chịu trách nhiệm
thông qua giáo dục làm người, giáo dục làm việc, ấy là đã để lại một sản nghiệp
đồ sộ cho con rồi.
ST